2.5 Giáo triều Rôma là gì?
Về lý thuyết, Đức Giáo Hoàng giống như một vị vua có quyền tuyệt đối trong Hội Thánh, nhưng thực tế, Ngài được hỗ trợ bởi một hội đồng các “bộ” khác nhau, các bộ này hợp lại thành Giáo triều Rô-ma. Phủ Quốc vụ Khanh giám sát các vấn đề trong nước và quan hệ ngoại giao [>2.8] với nước khác. Các bộ và các hội đồng giáo hoàng đảm trách nhiều vấn đề như việc phong thánh và chân phước, giáo dục Công giáo, giám mục, giáo dân.
Một trong ba toà án là Toà Thượng thẩm Roma (Roman Rota), trung tâm giáo luật [>4.11]của Hội Thánh. Quốc vụ viện Kinh tế quản lý các hoạt động kinh tế của Toà Thánh và của Thành Quốc Vatican. Mục đích tối hậu của các bộ này là giúp rao giảng Tin Mừng [>4.49] và hỗ trợ các tín hữu.
Tại sao Đức Ki-tô lại thiết lập phẩm trật trong Hội thánh?
Chúa Ki-tô thiết lập phẩm trật trong Hội thánh với sứ mạng dẫn dắt dân Thiên Chúa nhân danh Người và vì thế Người đã trao ban quyền hành cho họ. Phẩm trật được hình thành gồm các thừa tác viên được thánh hiến: các giám mục, các linh mục, và các phó tế. Nhờ bí tích truyền chức Thánh, các giám mục và các linh mục hoạt động trong thừa tác vụ của mình nhân danh Chúa Ki-tô là đầu. Các phó tế phục vụ dân Chúa trong việc phục vụ (diakonia) lời Chúa, Phụng cụ và việc bác ái. [TYGLHTCG 179]
Chiều kích tập thể của thừa tác vụ trong Hội thánh được thực hiện như thế nào?
Theo gương nhóm mười hai Tông đồ, được Ðức Kitô tuyển chọn và sai đi chung với nhau, sự kết hợp của các thành phần phẩm trật trong Hội thánh là để phục vụ sự hiệp thông của tất cả các tín hữu. Mỗi Giám mục thực thi thừa tác vụ của mình như thành viên của Giám mục đoàn, trong sự hiệp thông với Ðức Giáo hoàng, dự phần với ngài vào việc chăm lo cho Hội thánh phổ quát. Các linh mục thực thi thừa tác vụ của mình trong linh mục đoàn của Hội thánh địa phương trong sự hiệp thông với Giám mục và dưới sự hướng dẫn của ngài. [TYGLHTCG 180]
Tại sao thừa tác vụ trong Hội thánh cũng có đặc tính cá nhân?
Thừa tác vụ trong Hội thánh cũng có đặc tính cá nhân, bởi vì, nhờ hiệu năng của Bí tích Truyền chức thánh, mỗi người đều chịu trách nhiệm trước Ðức Kitô, Ðấng đã kêu gọi họ một cách cá nhân khi trao phó cho họ một sứ vụ. [TYGLHTCG 181]
Tại sao Giáo hội không phải là một tổ chức có tính dân chủ?
Nền dân chủ hoạt động trên nguyên tắc tất cả mọi quyền lực đến từ người dân. Tuy nhiên trong giáo hội, tất cả mọi quyền năng đến từ Đức Ki-tô. Vì vậy giáo hội có một cấu trúc phẩm trật. Nhưng đồng thời Đức Ki-tô đã cho giáo hội một cấu trúc mang tính đoàn thể.
Yếu tố phẩm trật trong giáo hội nằm ở chỗ chính Đức Ki-tô đang hành động trong giáo hội, khi những thừa tác viên được truyền chức, nhờ ân sủng Chúa, thực hiện hoặc trao ban điều gì đó, điều mà tự nơi mình những người đó không thể thực hiện và cho được. Có nghĩa là: khi các Giám mục, Linh mục cử hành các Bí Tích và trong quyền năng của Đức Ki-tô dạy dỗ Dân Chúa, những vị ấy hành động thay thế Đức Ki-tô. Yếu tố đoàn thể trong giáo hội nằm ở chỗ, Đức Ki-tô đã trao phó sứ vụ của Ngài cho một nhóm gồm Mười Hai tông đồ, những người kế vị của họ dẫn dắt giáo hội dưới quyền lãnh đạo của đấng kế vị thánh Phê-rô.
Với nguyên lý tông đồ đoàn này, các công đồng là một phần không thể nào thiếu được đồng của giáo hội. Tuy nhiên, trong những cấu trúc đoàn thể khác của giáo hội, trong các công nghị và các công đồng, người ta cũng có thể thấy sự phong phú của ơn Chúa Thánh Thần và tính phổ quát của giáo hội hoàn vũ sinh hoa trái. [Youcat 140]
Hai tiêu chuẩn cần có của giáo triều chính thức, đặc biệt là của những người đứng đầu giáo triều, mà tôi muốn nhấn mạnh là chuyên môn và phục vụ. Sự chuyên môn theo tôi là năng lực, là học tập, và theo kịp mọi thứ… Tiêu chuẩn thứ hai là phục vụ: phục vụ Đức Thánh Cha và các Giám mục, Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương. Trong Giáo triều Rôma, khi học hỏi– một cách đặc biệt, thì cũng “hít thở” khía cạnh hai mặt này của Hội Thánh, hay chính là sự tác động qua lại lẫn nhau của hai cái phổ quát và cái riêng biệt. [Giáo Hoàng Phanxicô, Gửi Giáo triều Rôma, 21/12/2013 nhân dịp Giáng Sinh ]