
3.10 Tại sao chúng ta cứ lặp lại cùng một lời cầu nguyện?
Chúng ta thường cầu nguyện bằng cách lặp lại những lời nguyện có sẵn. Những lời đó được gọi là khẩu nguyện hoặc những lời nguyện chính thức. Điều này xem ra khá nhàm chán. Nhưng cầu nguyện không giống như việc ngân nga những từ ngữ giống nhau.
Cầu nguyện là điều bạn thực hiện với tất cả con tim. Sức mạnh của lời khẩu nguyện nằm ngay trong việc lặp đi lặp lại. Vì chúng ta đã biết những lời đó rồi, chúng ta có thể hoàn toàn hiện diện với Chúa Giêsu trong tâm hồn và tâm trí của mình khi cầu nguyện. Trong ứng dụng #TwGOD [>The app] bạn có thể tìm thấy nhiều mẫu cầu nguyện hay.
Cầu nguyện bằng lời là gì?
Trước hết cầu nguyện là nâng lòng lên cùng Chúa, tuy nhiên Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng lời trong kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng...” Đó là kinh cầu nguyện bằng lời tuyệt hảo, như là một di ngôn của Chúa, dạy ta biết cách ta phải cầu nguyện.
Khi cầu nguyện, không phải ta chỉ sốt sắng trong trí mà cũng bày tỏ ra mọi cái đang ôm ấp trong lòng, chẳng hạn những điều phàn nàn, kêu xin, ca ngợi, biết ơn, và đem tất cả dâng cho Chúa. Thường những kinh nguyện lớn bằng lời như các thánh vịnh, các ca vịnh trong Kinh Thánh, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, các kinh này giúp ta biết nội dung đích thực của cầu nguyện, và dạy ta biết cầu nguyện có chiều sâu và tự do hơn. [Youcat 501]
Việc suy ngắm các mầu nhiệm Đức Kitô trong Kinh mân côi được thực hiện bằng
một phương pháp được lập ra để giúp ta đồng hoá với mầu nhiệm. Đó là phương
pháp dựa trên việc lặp đi lặp lại. Việc lặp đi lặp lại trước tiên được áp dụng cho Kinh
kính mừng, được lặp lại 10 lần trong mỗi mầu nhiệm. Nếu lời kinh này được lặp đi lặp
lại một cách hời hợt, chắc hẳn người ta sẽ có cám dỗ xem kinh mân côi như một việc
đạo đức khô khan và nhàm chán. Trái lại, người ta sẽ không cảm thấy khô khan, nhàm
chán, nếu xem kinh Mân côi như một sự dâng trào của tình yêu không ngừng hướng
về Đấng mình yêu mến, với những cách diễn tả tuy giống nhau trong nội dung, nhưng
luôn luôn mới mẻ về phương diện cảm xúc. [ĐGH Gioan Phaolô II,Tông thư” Rosarium Virginis Mariae”, s 26]